Please, click >> Print << to print this page.

Kinh doanh ẩm thực Việt tại Châu Âu: nhân sự sẽ là vấn đề lớn

(VOV5) - Cơ hội tốt cho người Việt làm nhà hàng Việt Nam ở nước Đức và Châu Âu vẫn tiếp tục trong 5-10 năm tới.
Kinh doanh ẩm thực Việt tại Châu Âu: nhân sự sẽ là vấn đề lớn - ảnh 1

 

Chục năm trở lại đây, nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống đã trở thành một trào lưu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có người Việt trên đất CHLB Đức. Ông Nguyễn Bình Định, người Việt đầu tiên sáng lập chuỗi quán ăn nhanh của người Việt trên đất Đức, thương hiệu Mr Bình Định, chia sẻ về những xu hướng phát triển trong đời sống kinh doanh của người Việt tại Đức. 

Thưa ông, trong tiến trình hội nhập và kinh doanh trên đất Đức, thì người Việt không chỉ làm nhà hàng?

Trước đây có ba đến bốn ngành nghề mà người Việt mình theo đuổi. Thứ nhất là làm nhà hàng Châu Á (nhà hàng Việt Nam, nhà hàng Tàu, nhà hàng Nhật, nhà hàng Ấn Độ, nhà hàng Mông Cổ.... thì người Việt mình đều làm hết). Ngành nghề thứ hai là bán hoa quả ở chợ. Ngành nghề thứ ba là buôn bán quần áo, là ngành tương đối truyền thống, từ xa xưa đến giờ người Việt mình buôn bán quần áo rất nhiều. Nhưng 5-10 năm trở lại thì việc bán quần áo của người Việt gặp rất nhiều khó khăn và người ta phải bỏ nghề này để chuyển sang nghề khác. Rồi nghề bán hoa quả ở chợ cũng dần dần gặp khó khăn.

Có lý do nào cho việc thoái trào đó không?

Có lý do, bởi vì các siêu thị của người Đức trước đây người ta không quan tâm đến rau quả, nhưng bây giờ người ta quan tâm rất nhiều, mở ra các cửa hàng mới với phần bán rau quả rất rộng, rất hoành tráng. Tất nhiên khi người ta đã vào cuộc thì hệ thống mua, bán chuyên nghiệp hơn, giá thành tốt hơn, nên người Việt mình bị cạnh tranh quá nhiều và không trụ lại được nữa, nên dần dần cũng phải bỏ ngành nghề đó.

Cái trào lưu tiếp theo là nghề làm móng tay, bắt đầu từ Mỹ, phát triển sang nước Đức cũng khoảng chục năm nay, phát triển cũng mạnh. Nghề làm móng tay còn phát triển được. Và đặc biệt phát triển là ngành ăn uống.

Kinh doanh ẩm thực Việt tại Châu Âu: nhân sự sẽ là vấn đề lớn - ảnh 2 Quán ăn nhanh thương hiệu Việt, đồ ăn kiểu Việt trên đất Đức.

 

Nhưng thực sự thì dân bản địa cũng có nhiều loại nhà hàng?

Quán xá thì nhiều. Nhưng đồ ăn châu Á thì người Việt mình không có cạnh tranh, phát triển rất tốt. Xu thế chung ở nước Đức, là cách nấu ăn cổ điển của người Tàu có nhiều dầu mỡ dần dần người ta không thích nữa. Còn cách nấu ăn của người Việt Nam mình, hay người Nhật Bản, là những đồ tươi sống không có dầu mỡ, rất tốt cho sức khỏe nên phát triển rất mạnh. Ẩm thực Việt Nam là một trong những nền ẩm thực đặc biệt, có ảnh hưởng của người Pháp, có dáng dấp của người Trung Quốc, có dáng dấp của Thái Lan, và cả ẩm thực cổ truyền của chính Việt Nam, vì thế tạo ra một nền ẩm thực Việt bây giờ rất phong phú. Và khắp mọi nơi trên thế giới đều có thành công rồi, người ta rất ưa chuộng, nên xu thế mở nhà hàng Việt Nam ở Châu Âu cũng như ở Đức càng ngày càng tăng.

Như vậy thì hiện có nguy cơ bão hòa hay không?

Thực ra không bão hòa. Nhà hàng Việt Nam ở Đức bây giờ bắt đầu rồi, nhưng chưa phổ biến, nên chưa thể nào bão hòa được. Xu thế này có thể kéo dài đến 5-10 năm nữa thì may ra mới có thể bão hòa. Từ  5 tới 10 năm tới vẫn là cơ hội tốt cho người Việt mình làm nhà hàng Việt Nam ở nước Đức nói riêng và có thể cả Châu Âu nói chung.

Nhân công cho các nhà hàng này là từ người Việt hay người dân bản xứ thưa ông?

Đa số là người Việt. Bởi vì cửa hàng châu Á là phải người Châu Á phục vụ. Đặc biệt là người Châu Á nấu ăn rồi, nhưng phải là người Châu Á phục vụ thì mới phù hợp. Nhưng nói đến vấn đề này tôi cũng phải nói thêm một điều nữa, là nhân sự là một vấn đề cực kỳ quan trọng mà thời gian tới tất cả các nhà hàng Châu Á sẽ gặp khó khăn. Vì thiếu người.

Ông nói thiếu người nghĩa là như thế nào? Vì cộng đồng người Việt ở Đức cũng như ở Châu Âu thì không phải là nhỏ?

Người Việt rất đông. Nhưng nếu như ở Đức chẳng hạn, ngoài số người sau 75 đi sang Tây Đức đã già rồi, thế hệ thứ hai, thứ ba các cháu lớn lên thường đi làm các hãng, hay các công ty cho người Đức. Việc phát triển nhà hàng Châu Á ở Đông Đức nói chung, chủ yếu do bộ phận người Việt Nam mình sang lao động và học tập và ở lại, mà thế hệ thứ nhất sang Đông Đức đến nay cũng khoảng chừng tầm 50-60 tuổi rồi. Thế hệ thứ hai của người Việt, các cháu giờ khoảng từ 20-30 tuổi, được học hành ở Đức, và gần như 100% các cháu không theo ngành nghề của bố mẹ làm nhà hàng nữa, các cháu làm cho các công ty của Đức. Thế nên vấn đề nhân sự cho cái ngạch có nhiều tiềm năng đó, lại gặp rất nhiều khó khăn, chắc chắn là như thế.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

P.H