Please, click >> Print << to print this page. |
Khác với một số quốc gia quy định mức đầu tư tối thiểu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nước Đức mới đây đã bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu mà chỉ tập trung vào xét duyệt xem dự án đầu tư có khả thi không, có mang đến hiệu quả kinh tế không, có đáp ứng được lợi ích kinh tế và nhu cầu của địa phương không, cũng như đánh giá các tác động tích cực của dự án đối với môi trường kinh tế và lực lượng lao động tại địa phương mà dự án đó triển khai... Do đó, việc cấp giấy phép đầu tư của Đức được đánh giá là dễ dàng hơn so với các nước khác thuộc khối OECD.
Ai có thể đầu tư vào nước Đức?
Luật pháp của Đức cho phép mọi công dân, tổ chức, công ty...đểu có thể đầu tư vào nước Đức và các doanh nhân không thuộc khối EU có thể xin định cư tại Đức thông qua chính sách Nhập cư kinh doanh.
Tuy nhiên trong luật đầu tư cũng chỉ viết chung chung là những dự án được duyệt đầu tư vào Đức phải thực sự cần thiết đối với nước Đức mà không nêu cụ thể bất cứ vấn đề nào. Các bộ phận cấp giấy phép đầu tư của Đức sẽ xét duyệt và trả lời. Một trong những nguyên nhân của điều này là nhằm tránh sự đầu tư tràn lan mang tính hình thức để được cư trú một cách hợp pháp tại Đức và đảm bảo cho nền kinh tế trong nước phát triển một cách ổn định.
Công dân của Liên minh châu Âu có thể thành lập công ty ở bất kỳ nước nào thuộc khối EU và phải tuân theo luật EU, cũng như phải thông báo cho phòng đăng ký địa phương (Einwohnermeldeamt) và nộp các khoản tiền cần thiết. Công dân EU ở đây được hiểu là những người có quốc tịch của nước thuộc EU. Người có quốc tịch Đức được hiểu là công dân Đức, người có quốc tịch Balan được hiểu là công dân Balan. Người được phép cư trú hợp pháp dù ngắn hạn, dài hạn hay vĩnh viễn cũng đều không phải là công dân Châu Âu nếu không có quốc tịch của nước thuộc EU, vì vậy khi đầu tư vào nước Đức sẽ không được tính theo quy định của EU mà tính theo quy định là công dân của nước thứ 3.
Nhà đầu tư nào sẽ được cấp giấy phép cư trú tại Đức?
Các doanh nhân không thuộc EU có thể thành lập công ty ở Đức và Giám đốc doanh nghiệp có thể xin định cư tại Đức thông qua chính sách Nhập cư kinh doanh.
Nước Đức cho phép Giám đốc của một công ty TNHH tại Đức được điều hành công việc từ nước ngoài. Do vậy, giám đốc doanh nghiệp có thể không cần giấy phép cư trú dài hạn tại Đức, khi cần giải quyết công việc ở Đức, họ chỉ cần đệ đơn đến Đại sứ quán Đức xin visa ngắn hạn ( geschäftsvisum). Lưu ý: giấy phép ở đây chỉ là dạng Visa ngắn hạn để giải quyết công việc của công ty chứ không phải giấy phép cư trú dài hạn và được phép làm việc tại Đức. Vì vậy, những ai sử dụng hình thức này phải chú ý để tránh bị phạt vì cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Nếu giám đốc doanh nghiệp có giấy phép cư trú hợp pháp tại 1 nước thuộc EU thì không cần xin visa ngắn hạn và giấy phép làm việc khi sang Đức giải quyết công việc ngắn hạn.
Luật cư trú của Đức sẽ xác định các điều kiện và hoàn cảnh để cấp giấy phép cho Giám đốc doanh nghiệp là công dân của nước thứ 3 có thể điều hành doanh nghiệp dưới hình thức tự làm việc tại Đức. Loại giấy phép này được cấp trong những trường hợp sau:
- Dự án đầu tư thỏa mãn lợi ích kinh tế và nhu cầu của địa phương .
- Dự án đầu tư mang đến những tác động kinh tế tích cực.
- Dự án đã có đủ nguồn vốn cho những khoản đầu tư dự kiến.
Cơ quan nhập cư địa phương sẽ đánh giá các tiêu chí mà dự án đáp ứng được. Các bộ phận cấp giấy phép đầu tư của Đức sẽ xét duyệt và trả lời.
Những tiêu chí được đánh giá bao gồm:
-Tính khả thi của dự án
- Kinh nghiệm của người điều hành
- Số vốn có thể đầu tư cho dự án
- Khả năng tạo ra việc làm cho địa phương, giải quyết nạn thất nghiệp.
- Khả năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế vùng của Đức.
Khi dự án được cấp giấy phép đầu tư thì Giám đốc doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép định cư cho mục đích tự kinh doanh. Và sau khoảng 3 năm thì giám đốc doanh nghiệp có thể đệ đơn xin cư trú vĩnh viễn (Niederlassungserlaubnis), nếu doanh nghiệp vẫn kinh doanh hiệu quả, có khả năng tiếp tục phát triển và đảm bảo tự chi trả mọi chi phí cho cuộc sống.
Chủ một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Đức có giấy phép cư trú cho mục đích tự kinh doanh hay giấy phép cư trú vĩnh viễn đều được phép đón vợ / chồng, con (dưới 16 tuổi) sang Đức sinh sống, làm việc và học tập như một công dân Đức bình thường. Những người đã trưởng thành thì không được hưởng quy chế đoàn tụ. Với giấy phép cư trú vĩnh viễn, gia đình của Giám đốc doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều quyền lơi hơn về giáo dục và các lợi ích y tế.
Thủ tục xin giấy phép đầu tư vào Đức gồm những gì?
Những công dân của nước không thuộc khối EU hoặc nước không có ký hợp đồng thương mại riêng với Đức, thì khi đầu tư vào nước Đức cần phải có những thủ tục sau:
1. Đơn xin giấy phép đầu tư vào Đức
2. Sơ yếu lý lịch (Lebenslauf), giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc (Nachweis beruflicher Erfahrungen ...)
3. Bản kế hoạch kinh doanh (Businessplan)
4. Chứng minh tài chính (con số trước đây: tiền đầu tư ít nhất là 250.000 €, hiên tại không đề cụ thể con số nữa)
5. Tạo công việc cho người sở tại (quy định trước đây: tạo công việc cho ít nhất 5 người - làm toàn thời gian - )
......
Theo lý thuyết thì nếu một công ty đầu tư vào Đức mà có 2 người đồng sở hữu thì cả hai người đều được hưởng quy chế nhà đầu tư tại Đức. Đương nhiên là một công ty thì không thể có nhiều người đồng sở hữu được. Việc đón nhân viên sang làm việc tại Đức thì phức tạp hơn, công ty phải chứng minh được là những người nhân viên đó không thể tìm được trên nước Đức hoặc do đặc thù công việc, khó có thể tìm được người làm phù hợp với yêu cầu công việc của công ty, hay phải là nhân viên đó thì công ty mới có thể triển khai được công việc đó tại Đức. Bởi nước Đức trước hết cần phải bảo vệ và tạo công ăn việc làm cho những công dân đang sinh sống trong nước Đức.
PROSCO