Nữ doanh nhân và trách nhiệm xã hội

Báo điện tử Doanhnhan.net

Thứ Tư, ngày 31/03/2010 08:53 GMT +7

Đã từng có 8 năm sống và làm việc tại châu Âu, 6 năm làm Trợ lý Giám đốc tiếp thị chuyên nghiệp của tập đoàn Unilever tại Việt Nam, và rồi lại từ bỏ để thành lập Công ty riêng, Nguyễn Thị Ánh Hồng – Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và truyền thông chuyên nghiệp Prosco, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân nữ Hà Nội – là một trong những “Bông hồng vàng” xuất sắc của Thủ đô.

 

 
- Xin chào chị Ánh Hồng. Là nữ CEO của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông - một ngành trẻ và đầy tính cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay - chị có thể chia sẻ với độc giả một chút về công việc hiện tại của mình?

Đúng như bạn nói, truyền thông là một ngành đang có sức cạnh tranh rất khốc liệt trong giai đoạn hiện nay. Công tác truyền thông và tiếp thị mang xu hướng xây dựng và nhận thức cho cộng đồng người tiêu dùng trước một dịch vụ hay sản phẩm nào đó. Điều này đòi hỏi phải có tính chiến thuật, kỹ thuật, phải có một quá trình và tâm huyết của người làm rất lớn. Nhất là với phụ nữ thì công việc này cũng ngốn khá nhiều thời gian và sức lực. Tôi có lợi thế là người Việt Nam nên am hiểu sâu sắc văn hóa của các vùng miền, thêm vào đó lại tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội nên có cơ hội được đi lại, được tiếp xúc, lắng nghe và trải nghiệm tương đối nhiều. Vì vậy, tôi có những phản xạ, cảm nhận hay đánh giá bằng trực giác tương đối chính xác. Điều này hỗ trợ rất tốt cho quá trình xây dựng kế hoạch truyền thông cho khách hàng. Nhưng vì không phải là “sân sau” hay “sân trước” của ai, tự thân lập nghiệp, nên có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn, nên cần phải có sự cố gắng rất nhiều.

- Vừa là giám đốc, lại tham gia các hoạt động xã hội, vậy chị cân đối thời gian giữa công việc và gia đình như thế nào?

Với tôi gia đình là số một. Còn công việc là điều kiện cần và đủ để tồn tại và thể hiện bản lĩnh của mình trong xã hội. Việc cân bằng giữa gia đình và công việc phải phụ thuộc vào việc mình sắp xếp công việc như thế nào. Tôi có lợi thế là cho đến thời điểm này các con tôi đã lớn và các cháu đã có thể tự chăm sóc cho bản thân nên chia sẻ giữa công việc và gia đình thuận lợi hơn. Tôi là người hướng nội nên rất thích các tiểu tiết trong gia đình và thường tự tay làm mọi việc trong nhà. Mặc dù rất bận rộn nhưng tôi không sử dụng người giúp việc vì muốn có điều kiện để gắn bó, chăm sóc tốt hơn mọi người trong gia đình, nuôi dạy các con. Còn về công việc thì mỗi ngày tôi vẫn dành không dưới 10 tiếng cho nó. Cái mà tôi hy sinh ở đây là quỹ thời gian dành cho mình.

- Ông xã chị có khi nào phàn nàn về công việc của vợ?

Chắc chắn bất kỳ ông nào khi thấy vợ mình cứ suốt ngày săm soi đi hoạt động lũ lụt, đi tới các vùng sâu vùng xa thì đầu tiên mặt mũi cũng phải nhăn nhó, cằn nhằn. Nhưng mà qua quá trình làm việc, vận động của mình, quan trọng nhất là thấy mình không bỏ bê gia đình và nhận thấy hiệu quả công việc mình làm, dần dần anh cũng hiểu và chia sẻ, ủng hộ. Tôi có được may mắn là đến giờ mọi người trong gia đình đều ủng hộ công việc mà tôi đang làm.

- Chị đánh giá như thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là với các nữ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay?

Nói về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng. Các doanh nghiệp đa phần đều sử dụng các hoạt động xã hội để làm một phần cho chiến dịch truyền thông, quảng cáo… nên phần nào hạn chế đi tính chất và hiệu quả của các hoạt động xã hội này. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động xã hội đều nhằm vào cộng đồng và không có mục đích thương mại nào. Còn ở Việt Nam, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố, điều kiện khó khăn nhất định, nên thường các doanh nghiệp lựa chọn hình thức một công đôi ba bốn việc. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng, dần dần các hoạt động xã hội của ta hiện nay đã được các doanh nghiệp, đặc biệt là các nữ doanh nhân, quan tâm hơn trước rất nhiều. Trước đây để vận động ủng hộ quyên góp cho người nghèo thường mất nhiều thời gian vận động, nhưng nay thuận lợi hơn vì mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp đều đã nhận thức được vai trò của mình trong cộng đồng và các doanh nghiệp cũng không phủ nhận việc xây dựng thương hiệu của mình thông qua các hoạt động đó.

- Vậy nữ doanh nhân và nam doanh nhân tham gia các hoạt động xã hội đó có gì khác nhau không?

 

 

Để có được vị trí trong xã hội, một CEO nữ cần phải có kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn để xác định được giới hạn và khả năng phát triển

Về nhiệt tình và tâm huyết là như nhau. Đã là người Việt Nam ai cũng mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, lá lành đùm lá rách. Có khác nhau đôi chút là ở cách thể hiện. Các nam doanh nhân thường đóng góp tiền của như để đúc chuông, để mua quà tặng… Còn với chị em phụ nữ thì thường chi tiết hơn, tẩn mẩn hơn. Chị em chúng tôi chỉ muốn làm sao để toàn bộ số tiền đóng góp đến được tay mọi người và thường trực tiếp tham gia vào hành trình nhân ái đó. Hàng năm Prosco có các phần quà Tết cho các trẻ em nghèo thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để mong sao các em có thêm niềm vui và nụ cười ngày Tết. Năm nay chúng tôi hướng tới đồng bào dân tộc ở 2 xã nghèo thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là Nà Khoa và Nà Hì.

- Đi nhiều như vậy, kỷ niệm nào để lại trong chị ấn tượng sâu sắc nhất?

Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình và nhiều kỷ niệm khác nhau. Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là chương trình từ thiện cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Hà Nội năm 2005. Trước đây, nghe nói đến chất độc màu da cam, tôi hiểu và mặc định rằng chỉ những tỉnh có chiến tranh đi qua mới có nhiều. Sau khi Hội Chữ Thập Đỏ phát động tại Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên, ngay trong ngày đầu tiên đã có 240 cháu của Huyện Thanh Trì tới tham gia. Đây là một con số không hề nhỏ chút nào, có gia đình có 4 người con trai thì cả 4 người đều bị. Tôi được tận mắt nhìn thấy nỗi đau và hậu quả của chiến tranh và không ngờ giữa Thủ đô phồn hoa là thế mà lại có những nỗi đau, những mảnh đời cực kỳ éo le mà chiến tranh để lại.

- Được biết, chị hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội và là Giám đốc dự án cộng đồng Danida (Đan Mạch). Xin chị cho biết rõ hơn về nội dung và đối tượng mà dự án này đang hướng tới?

Danida là một quỹ của Đan Mạch dành cho việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội có nhận một dự án của Danida là 104.Viet.30m, thực hiện trong vòng 30 tháng bắt đầu từ tháng 12/2008 nhằm hỗ trợ các công nhân nữ trong các khu công nghiệp. Dự án này rất nhân văn, bởi nó không phục vụ riêng cho nữ doanh nhân Hà Nội mà cho cả cộng đồng người lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có nhiều lao động nữ. Dự án có tất cả 4 hạng mục, thứ nhất là tổ chức các khóa đào tạo về luật lao động, luật sinh sản, an toàn lao động… Thứ hai là tổ chức 3 mô hình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho công nhân để họ có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với xã hội, và với giới khác. Thứ 3 là tổ chức các ngày hội thể thao văn hóa cho công nhân và cuối cùng là nâng cao năng lực quản lý của doanh nhân nữ trong cơ chế thị trường không biên giới hiện nay.

- Các doanh nghiệp tiếp nhận dự án này thế nào?

 

Các DN đa phần đều sử dụng các hoạt động xã hội để làm một phần cho chiến dịch truyền thông, quảng cáo nên phần nào hạn chế tính chất và hiệu quả của các hoạt động xã hội

Đến nay chúng tôi đã đi được gần 1/3 dự án. Chỉ tiêu tháng nào đề ra cũng hoàn thành, các doanh nghiệp nhận dự án đã dần hiểu hơn và rất hào hứng vì đây là dự án hỗ trợ cho bản thân các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang ra sức tuyên truyền đến các khu công nghiệp để có thể hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho họ. Tuy nhiên, đây là dự án lớn, có tính chất sâu rộng nên trong quá trình triển khai, Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để hoàn thành dự án này.

- Người ta thường nói phụ nữ hay đưa tình cảm vào công việc. Với chị thì sao?

Đa phần phụ nữ quản lý công việc bằng tình cảm, lý tính. Và ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Mỗi khi đưa ra quyết định kỷ luật, tôi đều phải dằn vặt và suy nghĩ rất nhiều. Và những quyết định đó chỉ được đưa ra khi tôi thấy nó ảnh hưởng tới công việc chung. Đặc thù của công ty tôi là có tới 90% là nữ nên nhiều khi các em nghỉ thai sản hết 4 tháng rồi, nhưng vì con nhỏ, không ai trông, mà mình không thể đuổi các em được nên lại bảo thôi cho nghỉ thêm 3 tháng nữa chờ con cứng cáp hơn thì đi làm. Bản thân tôi đã từng làm vợ, làm mẹ nên hiểu sâu sắc những khó khăn đó nên sự chia sẻ của một nữ giám đốc với nhân viên là điều hết sức cần thiết. Tôi nghĩ đây cũng là điểm khác biệt trong cách quản lý và đưa ra các quyết định giữa CEO nữ và nam.

- Theo chị những yếu tố nào làm nên sự thành đạt của một CEO nữ?

Tôi chưa có cảm giác của một người thành đạt nên không thể phân tích kỹ những điều này được. Nhưng tôi nghĩ để có được vị trí trong xã hội thì một CEO nữ cần phải có kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn để xác định được giới hạn và khả năng phát triển. Như trên tôi cũng đã nói là do đặc thù của giới nên các CEO nữ cần có sự chia sẻ, cảm thông. Trong giai đoạn hiện nay, các CEO nữ ngoài việc nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn còn cần tham gia vào các hoạt động xã hội, rèn luyện đạo đức để trở thành thủ lĩnh tinh thần, một tấm gương sáng cho nhân viên.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị. Nhân ngày 8/3, chúc chị vui vẻ, hạnh phúc và có nhiều đóng góp hơn nữa cho cộng đồng!

View: 111
- Print

Thông tin khác

Mở công ty đại diện thương mại tại Đức (13/07/2021)

Nếu bạn là một doanh nhân Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường sang Châu Âu thì nước Đức sẽ là điểm đến tuyệt vời cho kế phát triển doanh nghiệp của bạn. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 04 mô hình đại diện thương mại hiệu quả tại Đức nhé.

Lịch tư vấn & hướng dẫn ghi bảng chấm công - quỹ nghỉ phép theo Luật của Đức ( 05.2021) (22/04/2021)

Để có thể kiểm tra được Doanh nghiệp có thực hiện quy định về mức lương tối thiểu cho mỗi giờ làm việc hay không, cơ quan chức năng quy định các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải ghi chép giờ làm cho nhân viên ( nghĩa vụ lập hồ sơ). Việc không có bảng ghi chép giờ làm việc (bảng chấm công) của nhân viên hoặc có nhưng không hợp lệ - hợp lý sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp bị phạt, bị thanh tra vì vi phạm Luật lao động, nặng hơn sẽ là lỗi gian lận về tài chính bởi bảng chấm công là cơ sở trả lương cho nhân viên.

Lịch tư vấn & hướng dẫn thực hành ghi chép Kassenbuch theo quy định của Đức (05.2021) (22/04/2021)

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cơ quan thuế nhận ra doanh nghiệp của bạn vẫn hoạt động tốt, vẫn mua hàng, vẫn nộp tiền vào tài khoản… khi tiền trên sổ sách đã hết hoặc không còn đủ? Ở Đức, tội trốn thuế được coi là tội hình sự và các án phạt về tội gian lận thuế ở Đức chưa bao giờ là nhỏ, hầu như không ai cãi trắng được, thậm chí nó có thể hủy hoại doanh nghiệp của bạn.

Coffee-Bike, xe cà phê 3 bánh nhượng quyền của Đức phát triển nhanh nhất Châu Âu. (19/11/2019)

Ý tưởng chuẩn Made in Germany của 2 bạn sinh viên vào năm 2010 và tới 2011, ý tưởng này đã biến thành một hệ thống nhượng quyền thu hút một số lượng lớn các đối tác nhượng quyền trong nước và quốc tế.

Thủ tục nhập cư kinh doanh tại Đức (25/08/2019)

Luật pháp của Đức cho phép mọi công dân, tổ chức, công ty...đểu có thể đầu tư vào nước Đức và các doanh nhân không thuộc khối EU có thể xin định cư tại Đức thông qua chính sách Nhập cư kinh doanh.
Herzbergstr. 33-34
Haus 1, 3 OG., R. 0413
10365 Berlin, Deutschland
R.307 C1 Pham Ngoc Thach,
Dong Da, Ha Noi, Viet Nam
Mon. - Fri.: 9:00 - 16:00
Sat.: 9:00 - 14:00
(+49) 30 9928 8486
Social Media
TOP